Sự kiểm soát báo chí, truyền thanh và phim ảnh Joseph Goebbels

Mỗi buổi sáng, biên tập viên của các nhật báo ở Berlin và thông tín viên báo chí xuất bản nơi khác tề tựu ở Bộ Tuyên truyền để nghe TS. Göbbels hoặc phụ tá của ông thông báo cho phép in tin nào và cấm tin nào, viết bản tin ra sao và đề tựa như thế nào, chiến dịch truyên truyền nào phải chấm dứt và chiến dịch nào phải bắt đầu, và bài xã luận nào cần viết. Nếu có trường hợp hiểu lầm, một văn bản được gửi đi kèm lời chỉ dẫn bằng miệng. Văn bản được gửi bằng điện tín hoặc thư bưu điện đến các tờ báo ở xa.

Luật Báo chí ngày 4 tháng 10 năm 1933 quy định người "trong sạch" về chính trị và chủng tộc mới được làm biên tập viên dưới thời Quốc xã: phải có quốc tịch Đức, thuộc chủng tộc Aryan và không kết hôn với người Do Thái. Điều 14 của Luật Báo chí quy định biên tập phải "loại ra khỏi báo chí bất kỳ bài viết nào... có xu hướng làm suy yếu sức mạnh của Đức Quốc xã, ý chí nội tại hoặc bên ngoài của dân tộc Đức, nền quốc phòng của Đức... hoặc xúc phạm danh dự và phẩm giá của nước Đức." Đấy là những vi phạm mà nếu Luật được áp dụng trước 1933 sẽ trấn áp tất cả biên tập viên của Quốc xã. Bây giờ Luật dẫn đến việc loại bỏ những tờ báo và người làm báo không phải là Quốc xã. Vài tờ báo còn tồn tại là nhờ Văn phòng Báo chí Đức can thiệp vì muốn duy trì những tờ báo danh tiếng quốc tế này hầu tạo ấn tượng cho thế giới bên ngoài.

Khi mọi tờ báo ở Đức đã được chỉ dẫn phải đăng gì, viết bản tin và xã luận như thế nào, điều không khỏi là có sự tuân phục tai hại lan tràn khắp báo chí cả nước. Ngay cả một dân tộc vốn đã được điều hành chặt chẽ và chịu phục tùng chế độ cũng cảm thấy chán ngán với nhật báo. Số phát hành báo giảm nhanh chóng. Trong 4 năm đầu của chế độ Quốc xã, số tựa báo giảm từ 3.607 xuống còn 2.671.

Người nước ngoài ở Berlin cũng nhận ra cách thức mà báo chí, dưới quyền chỉ đạo chuyên nghiệp của Göbbels, đang lừa dối người dân Đức cả tin. Trong sáu năm, từ khi Quốc xã "điều phối" các tờ nhật báo, có nghĩa là dập tắt tự do báo chí, người dân đã bị cắt đứt khỏi sự thật của những gì diễn ra trên thế giới.

Có lúc vào năm 1934, Göbbels kêu gọi các biên tập viên hay khúm núm không nên viết bài quá đơn điệu. Một biên tập viên lại quá năng nổ với chỉ thị này, viết bài chỉ trích Bộ Tuyên truyền quá nghiêm khắc khiến cho báo chí trở nên chán ngắt. Tờ tuần báo của ông này lập tức bị đình bản ba tháng và chính ông bị Göbbels đưa vào trại tập trung.

Ngành truyền thanh và phim ảnh cũng bị nhanh chóng uốn nắn để phục vụ cho mục đích truyên truyền của Nhà nước Quốc xã. Göbbels thường lên tiếng trên đài truyền thanh (truyền hình chưa xuất hiện lúc này). Qua Cục Truyền thanh trong Bộ Tuyên truyền, ông kiểm soát hoàn toàn và lèo lái các chương trình truyền thanh cho mục đích của mình. Công việc càng thêm dễ dàng vì ở Đức, giống như những quốc gia châu Âu khác, Nhà nước nắm độc quyền lĩnh vực truyền thanh.

Ngành phim ảnh vẫn còn nằm trong tay công ty tư nhân, nhưng Bộ Tuyên truyền và Phòng Phim ảnh kiểm soát mọi hoạt động trong ngành, với chức năng – theo ngôn từ của một bài xã luận chính thức – "nhằm đưa ngành phim ảnh thoát ra khỏi phạm trù của những tư tưởng kinh tế tự do..."

Trong cả hai trường hợp, hậu quả đối với người Đức là mang đến những chương trình truyền thanh và phim ảnh ngớ ngẩn và chán phèo, cũng giống như báo chí xuất bản định kỳ. Ngay cả một dân tộc vốn quen chịu o ép cũng tỏ ý phản kháng. Người hâm mộ lánh xa những phim của Quốc xã và chen chúc đến xem một số ít phim nước ngoài (phần lớn là phim Hollywood hạng nhì) mà Göring cho phép chiếu trong nước. Có lúc giữa thập kỷ 1930, Bộ trưởng Nội vụ Wilhelm Frick ra một lời cảnh cáo nghiêm khắc về "thái độ phản trắc của khán giả phim ảnh."

Tương tự, các chương trình truyền thanh bị chê bai thậm tệ, đến nỗi chủ tịch Phòng Truyền thanh Horst Dressler-Andress tuyên bố lời ta thán như thế là "xúc phạm đến nền văn hóa Đức" và sẽ không được dung thứ. Trong những ngày này ở thập kỷ 1930s, thính giả Đức có thể bắt nghe một số đài nước ngoài mà không sợ rủi ro đến tính mạng như trong Thế chiến II sau này. Có lẽ nhiều người Đức làm thế, tuy tác giả có cảm tưởng TS. Göbbels đã đúng khi cho rằng truyền thanh là công cụ tuyên truyền hữu hiệu nhất.

Người ta dễ chịu ảnh hưởng bởi ngành báo chí và truyền thanh bị kiểm duyệt trong một nước chuyên chế. Điều đáng ngạc nhiên là chế độ tuyên truyền dai dẳng gồm những điều bịa đặt và bóp méo sự thật cuối cùng gây ấn tượng trên tâm tư con người và thường khiến họ dễ lầm lạc. Sống nhiều năm dưới chế độ tuyên truyền liên tục có tính toán thì khó mà thoát khỏi tầm ảnh hưởng. Trong nhà riêng hoặc văn phòng người Đức, đôi lúc trong buổi chuyện trò cởi mở với một người mới gặp ở nhà hàng, quầy bia, quán café, người nước ngoài thường nghe những lời khẳng định lạ lùng từ người có vẻ như thông minh và có học thức. Hiển nhiên là họ lặp lại như con vẹt những điều vô lý mà họ đã nghe qua đài truyền thanh hoặc đọc qua báo chí. Đôi lúc người nước ngoài có thể thử nói ra sự thật, nhưng được đáp lại với cái nhìn kinh ngạc, với sự im lặng, như thể ta đã phạm thánh. Từ đấy, có thể nhận ra chỉ là vô ích nếu cố tiếp cận với một tư tưởng đã bị bẻ cong, đã thấm nhuần theo cách mà Hitler và Göbbels muốn uốn nắn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Joseph Goebbels //nla.gov.au/anbd.aut-an35129689 //www.amazon.com/dp/B0011UXVDG http://www.aolsvc.merriam-webster.aol.com/dictiona... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://pressechronik1933.dpmu.de/zur-historischen-... http://research.calvin.edu/german-propaganda-archi... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb11905264v http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb11905264v http://www.idref.fr/026895455